Doanh nghiệp Việt ngày càng... siêu nhỏ

Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam năm 2013 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tiếp tục cảnh báo sự nhỏ đi về quy mô doanh nghiệp Việt Nam.Những khảo sát của VCCI dựa trên các số liệu thống kê chính thức cho thấy, sự sụt giảm khá mạnh mẽ của doanh nghiệp quy mô vừa và lớn trong vòng 5 năm trở lại đây đang đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế của những doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với tỷ lệ 95,8%. Trong số này, điều đáng quan tâm là doanh nghiệp siêu nhỏ, những doanh nghiệp có dưới 10 lao động, chiếm đa số (tới 66,8%).

  Các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ 95,8%  
  Các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ 95,8%  

Với tỷ lệ trên, dường như động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam lâu nay vẫn được nhắc tới là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang yếu đi đáng kể.

Thậm chí, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI còn cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp lúng túng trong bẫy công nghệ và không đủ sức để tận dụng các lợi thế phát triển của ngành, vùng, cũng như của nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi.

“Trong phần đề xuất, chúng tôi cũng đề nghị lựa chọn một số ngành có lợi thế cạnh tranh để ưu tiên phát triển, tập trung phát triển một số doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh, có quy mô cỡ trung bình trở lên”, bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, trên cơ sở lợi thế so sánh, nhất là lợi thế so sánh động, lựa chọn những công đoạn có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh, Nhà nước xây dựng chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp này tham gia mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí phải hỗ trợ để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài trong những ngành này.

Tuy nhiên, với quy mô doanh nghiệp hiện tại, bà Hằng cho rằng, không dễ tìm được các doanh nghiệp đủ điều kiện.

Những nghiên cứu liên quan đến tái cơ cấu các ngành kinh tế cũng cho thấy, sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp nội địa dựa vào số đông các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Chỉ thông qua đó, sản phẩm cuối cùng mới có giá trị gia tăng cao, công nghiệp và kiến thức chuyên môn được chia sẻ, nền kinh tế mới vươn lên trên các nấc thang chuyển đổi cơ cấu.

“Ví như với nông nghiệp, giải pháp đề xuất là hỗ trợ để hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, nhưng với hơn 13 triệu hộ nông dân canh tác trên 75 triệu mảnh đất với diện tích 8,4 triệu ha, khó có thể tạo ra được chất lượng sản phẩm có thể cạnh tranh thông qua áp dụng công nghệ hiện đại”, bà Hằng nói.

Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho rằng, nhu cầu và động lực thực hiện các nỗ lực đổi mới, phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường không cao.

“Hơn nữa, do quy mô doanh nghiệp nhỏ, nên khả năng huy động kinh phí để tổ chức hoạt động nghiên cứu gặp khó khăn hơn các doanh nghiệp lớn”, ông Dũng nói.

Có lẽ cũng phải nhắc tới điều lưu tâm mà ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, hiện là cố vấn cao cấp của Thủ tướng Chính phủ, gửi các doanh nghiệp trong nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh. Đó là nếu doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn công nghệ như công nghệ của doanh nghiệp Trung Quốc, thì với vị trí địa lý, sự phụ thuộc vào thị trường và công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được.

Hiện tại, với quy mô doanh nghiệp nhỏ, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng này.