Maybank KimEng: VN nên gọi vốn FDI cho hạ tầng

(TBKTSG Online) - Tập đoàn Maybank Kim Eng cho rằng với việc đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị của Việt Nam, sẽ không đáp ứng được nhu cầu. Trong bối cảnh vốn ODA sẽ không còn nhiều từ năm 2018, Việt Nam nên kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tham gia vào lĩnh vực này.

Giám đốc điều hành khối Ngân hàng Toàn cầu của Maybank, ông Feisal Zahir (trái), phát biểu tại Hội nghị đầu tư ASEAN diễn ra cuối tuần qua. Ảnh: Maybank Kim Eng cung cấp

Theo báo cáo nghiên cứu ”ASEAN Infrastructure: The New Old Thing” – “Hạ tầng ASEAN: Góc nhìn khác cho một vấn đề không mới” được công bố tại Hội nghị đầu tư ASEAN tổ chức cuối tuần qua, Maybank Kim Eng nhận xét Việt Nam dựa nhiều vào ngân sách để phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, điện, nước và viễn thông. Ước tính 5 năm tới Việt Nam cần trên 200 tỉ đô la Mỹ để đầu tư hạ tầng, và cũng cần mức tương tự cho 5 năm kế tiếp, nghĩa là gấp đôi so với thập kỷ qua.

Trong khi đó, thâm hụt tài khóa đã lên hơn 5% trong năm năm qua, chi tiêu tăng mạnh hơn so với nguồn thu. Nợ công của Việt Nam cũng phải tăng lên để bù đắp thâm hụt, vì vậy đã tiệm cận mức an toàn là 65% do Quốc hội đưa ra.

ODA là một nguồn vốn rẻ hơn, và đầu tư hạ tầng chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giải ngân của vốn ODA. Tuy nhiên, đến năm 2018, nhiều nguồn ODA sẽ không còn. Chính phủ cũng thừa nhận rằng ngân sách nhà nước và các hình thức khác chỉ có thể đáp ứng chỉ 40-50% vốn cho cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới. Do đó, việc tìm nguồn vốn thay thế là khá khẩn cấp và sự thiếu hụt đó một phần có thể được đáp ứng bởi các nhà đầu tư tư nhân, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.

Trong báo cáo này, Maybank Kim Eng nhấn mạnh đến hình thức hợp tác công tư PPP giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước. Nghĩa là Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng.

Trong thời điểm hiện tại với Việt Nam, Maybank Kim Eng cho rằng hợp tác công tư PPP không phải là một lựa chọn nữa mà là một phương án phải thực hiện.

Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực trong việc đưa ra các cơ chế để bắt đầu áp dụng PPP từ năm 2010, và có nhiều cải tiến trong các năm qua, nhưng Việt Nam cần hỗ trợ cho nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng, cơ chế áp giá thu phí, hỗ trợ một phần ngân sách,  duy trì sự ổn định trong các quy định để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm khi tham gia vào các công trình lớn, thời gian thu hồi vốn lâu… Việc này là cần thiết, trong bối cảnh các nước khác như Myanmar, Bangladesh, Pakistan... cũng đang tìm nguồn vốn nước ngoài để xây dựng hạ tầng.

Vốn đầu tư cho  giao thông vận tải nên được dùng để cải thiện đường sá, vì hiện nay những con đường ở Việt Nam chủ yếu vẫn là đường địa phương, các dự án đường cao tốc chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hệ thống đường sắt đã cũ, đường hàng không đã mạnh hơn trước nhưng không thể đáp ứng cho phát triển kinh tế. Vì vậy, đầu tư vào đường bộ qua PPP là chuyện cần thiết trong thời gian tới.

Các ngành tiếp theo về hạ tầng nên được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP) chính là năng lượng, đặc biệt là điện. Vì nguồn cung điện hạn chế nên để đáp ứng sự thiếu hụt của mình, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc. Thiếu hụt điện có thể trầm trọng thêm trong 2-3 năm tới và nhiều ưu đãi sẽ phải được xem xét để tăng tốc đầu tư vào nhà máy mới.

Tuy vậy, Maybank Kim Eng cho rằng nhà đầu tư nước ngoài khá e ngại vấn đề thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, vốn thường kéo dài lâu nay. Sự chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận các dự án của nhà đầu tư, và mất đi nhiều cơ hội đầu tư khác của họ. Vì vậy, nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình này để các dự án hạ tầng nhanh chóng được hoàn tất.

Maybank Kim Eng được biết đến như một ngân hàng đầu tư, trực thuộc Maybank, có trụ sở tại Malaysia, hoạt động tại 11 nước, chủ yếu trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, thị trường nợ, thị trường vốn... Tại Việt Nam, Maybank Kim Eng là công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài đầu tiên, chủ yếu thực hiện dịch vụ môi giới, tư vấn đầu tư chứng khoán...

(Nguồn: TBKTSG Online)