Bắc Giang tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động

Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 8,5-9%/năm, năng suất lao động bình quân đạt 95-100 triệu đồng.
Đó là một trong năm mục tiêu chủ yếu mà tỉnh Bắc Giang đặt ra trong kế hoạch thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020.

Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

Đảm bảo mức dư nợ vay của ngân sách không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 8,5-9%/năm; đến năm 2020 năng suất lao động bình quân đạt 95-100 triệu đồng. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70%, trong đó tỷ lệ lao động có chứng chỉ đào tạo đạt 45%; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống còn 46,5%.

Phấn đấu năm 2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020
đạt khoảng 8,5-9%/năm. Ảnh: BGP/Hải Huyền.

Bên cạnh đó, nâng tỷ trọng đóng góp Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng năm 2020 đạt khoảng 20%; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong tốp 15 tỉnh đứng đầu cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2020 đạt 5.200 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư phát triển xã hội, giai đoạn 2016-2020 đạt 230 tỷ đồng. Nâng cao tỷ trọng nguồn thu ngân sách để đảm bảo nhiệm vụ chi trong tổng nguồn dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của tỉnh, đến năm 2020 đạt trên 40%.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Đây là một trong những giải pháp chủ yếu để tỉnh Bắc Giang thực hiện hoàn thành chỉ tiêu đặt ra. Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Giang rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện cho DN khởi sự và phát triển, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN là những vấn đề tỉnh Bắc Giang đang quan tâm triển khai.

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Bắc Giang thường xuyên tổ chức gặp mặt DN
để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Ảnh: BGP/Hải Huyền.

Để thực hiện hiệu quả, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, thực hiện cải cách TTHC trên tất cả các lĩnh vực, đảm bảo đúng quy định, thông thoáng; đối với các thủ tục không phù hợp, kiến nghị sửa đổi, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các TTHC, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giải quyết TTHC; kịp thời tham mưu tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho các DN từ khâu triển khai dự án đến lúc đi vào sản xuất, kinh doanh; rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo bố trí những cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất, đạo đức để giải quyết các công việc liên quan trực tiếp đến người dân và DN. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; thực hiện chuyển dịch cơ cấu tín dụng.

UBND các huyện, thành phố thực hiện hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư; chủ động rà soát các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đầu tư, không đầu tư để kiến nghị xử lý thu hồi tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác tiếp nhận đầu tư.

Phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn

Để phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Bắc Giang tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp trọng tâm là nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm và chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi; quy trình canh tác, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao…

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, khuyến khích các thành phần kinh tế, các DN ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và bán hàng trực tuyến; tổ chức quảng bá các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; giữ vững và nâng cao thương hiệu nông sản hàng hóa đã được đăng ký bảo hộ xây dựng và phát triển một số thương hiệu sản phẩm hàng hóa như: Rau an toàn Đa Mai, bưởi, cam Lục Ngạn, chanh đào Lạng Giang, gà giống Hiệp Hòa, gà đồi Lục Ngạn…

Triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ảnh: BGP/Hải Huyền.

UBND các huyện, thành phố lựa chọn công nghệ và tổ chức triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào một số loại cây trồng như rau, nấm, hoa, cam, chè; một số con vật nuôi như gà thịt, lợn thịt, lợn nái; xây dựng một số mô hình nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh tập trung vào một số đối tượng nuôi như: Rô phi đơn tính, chép lai, trắm cỏ; xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống công nghệ mới ở các huyện.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước; cơ cấu lại đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ… cũng là những giải pháp tỉnh Bắc Giang sẽ triển khai thực hiện nhằm thực hiện hoàn thành kế hoạch đề ra./.Báo Bắc Giang